Xuất bản thông tin

null Bác sĩ ở Sa Đéc chế tạo rô-bốt phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid-19

Chi tiết bài viết SD_TINTUC

Bác sĩ ở Sa Đéc chế tạo rô-bốt phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid-19

Thời gian qua, bệnh viện đa khoa Sa Đéc- tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 từ Anh quốc trở về nước. Để hạn chế tối đa nhân viên y tế  ra, vào khu vực cách ly nhằm giảm nguy cơ lây lan, bác sĩ chuyên khoa I- Lê Ngọc Lâm –Quyền trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã chế tạo ra con Rôbôt vận chuyển phục vụ cho bệnh nhân khu cách ly. Qua thời gian đưa vào hoạt động, Rôbôt này đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho bệnh viện trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid 19.

Bác sĩ Lâm cho biết, nhờ bản thân có kiến thức về điện tử cộng với sự đam mê nên sau khi có ý tưởng, chỉ trong thời gian 2 ngày, 1 đêm anh đã cho ra mắt con rô- bốt đầu tiên. Thiết kế của rô-bốt khá đơn giản gồm: 4 bánh xe, camera, khai đựng đồ và bộ điều khiển. Con rô-bôt nặng khoảng 4,5kg nhưng có khả năng vận chuyển vật có trọng lượng 10kg đến từng phòng bệnh nhân. Khi đến đúng phòng, sẽ phát ra nhạc hiệu thông báo cho người bên trong ra nhận đồ. Toàn bộ quá trình vận chuyển của thiết bị được một y, bác sĩ điều khiển từ xa thông qua hình ảnh tương thích trên điện thoại di động. Thiết bị điều khiển ở khoảng cách xa đến 40m, rô bốt sử dụng pin, khi sạc đầy  có thể sử dụng liên tục trong 6 giờ đồng hồ. “Con rô bốt này điều khiển từ xa, sử dụng sóng tần số 2.4G cho khả năng truyền tải dữ liệu rất là xa, khoảng 30 đến 40 mét và thực hiện cũng rất là dễ dàng, ngoài ra trên xe có trang bị hệ thống camera thu sóng wifi sẽ phát tín hiệu về cho người điều khiển qua điện thoại để quan sát giao tiếp với bệnh nhân”, bác sĩ Lâm thông tin thêm.

Được biết, tổng chi phí thiết bị lắp ráp con rô-bốt này khoảng  2 triệu đồng, tuy nhiên, công dụng của con rô-bốt là vô cùng lớn, nó có thể xoay chuyển linh hoạt nên dùng được cả ở những nơi có địa hình chật, hẹp. Hiện tại, rô-bốt này có thể đảm nhận việc mang thực phẩm, thuốc uống, vật dụng cần thiết đến cho người đang điều trị tại khu cách ly y tế, giúp các cán bộ y tế giảm đi áp lực rất nhiều. Chia sẻ về ý tưởng thực hiện con rô-bốt này, bác sĩ Lâm tâm sự: “Mình thấy một số đồng nghiệp phải thường xuyên ra vào khu cách ly, mỗi ngày khoảng 4-5 lần, như vậy dễ tiếp xúc với bệnh nhân dương tính này rất nguy hiểm, thứ 2 nữa là mỗi lần ra vào khu cách ly phải trang bị những bộ trang phục rất là tốn kém và phức tạp. Xuất phát từ thực tế đó tôi mới có suy nghĩ là phải tạo ra một chiếc xe để thay thế những nhân viên của mình làm những công việc này”.

 

Con rô bôt được thiết kế khá đơn giản nhưng hỗ trợ tích cực cho bệnh viện trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid 19

 

 

Giám đốc Sở y tế Đồng Tháp trao giấy khen đột xuất cho sáng kiến độc đáo của bác sĩ Lâm

Sau khi đưa vào sử dụng hiệu quả con rô-bôt đầu tiên, hiện tại, bác sĩ Lâm đã sáng chế ra con rô-bốt thứ 2, có ưu điểm hơn con rô-bốt đầu tiên là có thể khởi động từ xa, không cần tiếp xúc với con rô-bốt. Sáng kiến này của bác sĩ Lâm đã được Ban giám đốc bệnh viện, các đồng nghiệp đánh giá cao. Mới đây, ông Nguyễn Lâm Thái Thuận – Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp đã đến trao giấy khen đột xuất cho sáng kiến này của anh. Ông Thuận nhận xét: “Sáng kiến của bác sĩ Lâm trong thời điểm này vô cùng có ý nghĩa, không chỉ đáp ứng kịp thời, hạn chế số lần tiếp xúc với bệnh nhân và trực tiếp phục vụ cho quá trình điều trị, cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại khu điều trị cách ly của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc còn thúc đẩy cho phong trào thi đua lao động sáng tạo trong lực lượng y tế tỉnh Đồng Tháp trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19.”.

Bác sĩ chuyên khoa II- Trần Thanh Tùng- Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sa Đéc cũng cho biết sau khi kết thúc điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19, bệnh viện sẽ cho khử khuẩn hai thiết bị robot này và đưa vào phục vụ lâu dài ở Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện. /.

Bài, ảnh: Thanh Nghĩa

Có thể bạn quan tâm