Tự hào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Làng bột trăm tuổi
Được xem là một trong những nghề truyền thống lâu đời của Sa Đéc, nghề làm bột ở đây đã tạo nên danh tiếng và sự phồn thịnh cho quê hương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm Bột Gạo Sa Đéc” Xã Tân Phú Đông và Phường 2, thành phố Sa Đéc. UBND thành phố sẽ tổ chức đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong lễ khai mạc Lễ hội Hòa Bình lần thứ 3 diễn ra vào cuối tháng 4 này. Trong niềm tự hào phấn khởi này, những người con Làng bột Sa Đéc đã và đang ra sức lao động hăng say để bức tranh làng nghề ngày thêm tươi đẹp.
Là một trong những người đi đầu tại Làng bột Sa Đéc đầu tư xây dựng nhà xưởng thông thoáng và các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất bột, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, ông Nguyễn Văn Nương ở phường 2, thành phố Sa Đéc cùng những người con đang ra sức giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống của ông cha để lại.
Ông Nguyễn Văn Nương (phường 2, thành phố Sa Đéc) tiên phong đầu tư xây dựng nhà xưởng thông thoáng và các trang thiết bị hiện đại
Ông Nguyễn Văn Nương ở phường 2, thành phố Sa Đéc phấn khởi chia sẻ: “Quyết tâm của tôi với các con của tôi là muốn làm sao để truyền lại nghề của ông cha để lại cho bền chặt. Không riêng gì tôi mà tất cả bà con trong Hội quán rất mừng rỡ được tin mình nhận được di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Khi đã được di sản văn hóa công nhận rồi thì mình có trách nhiệm nặng nề hơn, mình phải làm sao cho nghề bột phát triển mãi mãi, nâng cao giá trị sản phẩm của mình lên, đảm bảo an toàn về thực phẩm và môi trường là trên hết.”
Qua hơn một trăm năm, nghề làm bột hiện nay đã tân tiến rất nhiều, các cơ sở, các hộ sản xuất bột đã áp dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, đã cơ giới hóa, điện khí hóa, trong nhiều khâu của quy trình sản xuất bột.
Cũng với tình yêu nghề sâu đậm, dù trải qua biết bao thăng trầm của làng nghề bột gạo, năm nay đã 72 tuổi, ông Trương Thanh Hỷ, một thành viên của Hội quán Làng bột ở ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông vẫn không ngừng giữ lửa nghề và hun đúc ngọn lửa ấy cho nhiều thế hệ con cháu kế tục.
Ông Trương Thanh Hỷ ở ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc chia sẻ thêm: “Nghề làm bột của gia đình làm cũng lâu rồi đời rồi từ ông nội đến đời cha, rồi đến đời tôi. Hồi trước làm còn thô sơ, lu hũ nhiều lắm, từ khi vô Hội quán Nhà nước có hỗ trợ chi phí để sắm sửa máy móc, có cối xay bằng inox, bồn chứa, bồn hớt nên bột làm ra rất vệ sinh, sạch sẽ, làng nghề ngày càng phát triển. Khi hay tin được Nhà nước công nhận làng bột là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì mình cũng phấn khởi, hy vọng những khách hàng tỉnh khác biết tới để đến đặt hàng”.
Ông Trương Thanh Hỷ (xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc) cũng mạnh dạn áp dụng máy móc hiện đại trong sản xuất bột từ nhiều năm nay
Những thập niên trước, làng bột Sa Đéc rất phát triển với trên 800 hộ sản xuất. Nhưng những năm gần đây, do tình hình khó khăn nên nhiều hộ đã chuyển đổi ngành nghề. Hiện làng nghề truyền thống này còn trên 160 hộ, cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho trên 01 ngàn lao động, sản lượng bình quân trên 30 ngàn tấn bột trong năm, đặc biệt, những sản phẩm sau bột hằng năm góp phần cho thành phố Sa Đéc thu về trên 400 tỷ đồng.
Từ sau đợt dịch tả heo châu Phi, các cơ sở có chăn nuôi heo kết hợp làm bột đã chuyển đổi tư duy sản xuất sang các ngành nghề khác và tập chung chủ yếu phát triển sản xuất bột. Nhờ đó, môi trường luôn đảm bảo thông thoáng, mở ra thêm nhiều cơ hội cho liên kết phát triển du lịch của thành phố.
Bà Võ Thị Bình – Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc phấn khởi cho biết: “Thành phố Sa Đéc phải rất vui mừng khi được công nhận một làng nghề truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể. Định hướng trong thời gian tới thì thành phố Sa Đéc cố gắng để quảng bá hình ảnh làng nghề bột khi được công nhận, tiếp tục nâng tầm làng nghề vừa truyền thống vừa có tính hiện đại để đáp ứng với những công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, sẽ cố gắng để cho người dân, nhất là các làng nghề của mình sẽ tiếp cận được nguồn vốn để trong quá trình thực hiện sẽ phát triển làng nghề của mình được thuận lợi hơn. Và một điểm hết sức quan trọng đặc biệt cho nghề làm bột của mình tiếp cận không chỉ phát triển ở nội địa mà làng nghề khi được công nhận một di sản như thế thì mình phải làm gì, định hướng như thế nào để làng nghề có sản phẩm được vươn xa và đi xa hơn ra ngoài địa phương”.
Bột gạo Sa Đéc không chỉ là sản phẩm mang lại thu nhập kinh tế cho biết bao thế hệ làng nghề mà còn mang trong mình một giá trị văn hóa tinh thần trường tồn dù đã trải qua mấy thế kỷ thăng trầm với thời cuộc. Những người con nơi đây sẽ mãi lưu giữ và phát huy để thương hiệu làng nghề của cha ông ngày càng thịnh vượng./.
Bài: Trúc Nguyên, Ảnh: Thanh Nghĩa