Thành phố Sa Đéc: Kết quả nổi bật chuyển đổi số năm 2024
Xác định công tác chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, được sự quan tâm của tỉnh, sự nổ lực của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Sa Đéc đã và đang có sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định. Nhiều chỉ tiêu chuyển đổi số đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Theo kết quả báo cáo năm 2024, 100% dân số trên địa bàn thành phố Sa Đéc có danh tính số; 81,05% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định; số lượng người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 96,91%; trên 70% dân số có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản; trên 60% dân số mua sắm trực tuyến; kinh tế số chiếm 5% GRDP. 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ trực tuyến 24/7; 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định và tỷ lệ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất cũng đạt ở mức 100%,…..với những con số trên đã phần nào khẳng định chuyển đổi số ở thành phố Sa Đéc đang dần chuyển mình mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, người dân từng bước thụ hưởng thành quả, lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số mang lại.
Xác định đẩy nhanh chuyển đổi số là một giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm qua, UBND thành phố Sa Đéc đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch liên quan đến công tác chuyển đổi số như: Kế hoạch chuyển đổi số thành phố Sa Đéc năm 2024; Phát triển hạ tầng số trên địa bàn thành phố Sa Đéc giai đoạn 2024 – 2025; Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động Tổ CNSCĐ; Tổ chức mô hình chợ không dùng tiền mặt; Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Chuyển đổi số trên app e-DongThap; Ra quân hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia,…Từ đó làm tiền đề quan trọng để thực hiện chuyển đổi số mang lại hiệu quả và đạt chất lượng.
Thành phố đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC
Theo đó, trong tổng số 43 chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024, thành phố đã thực hiện đạt và vượt 39 chỉ tiêu; 01 chỉ tiêu chưa đạt, 03 chỉ tiêu đang tiếp tục thực hiện.
Về kết quả thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, thành phố cũng thực hiện đạt 36/46 chỉ tiêu; 04 chỉ tiêu chưa đạt và 06 chỉ tiêu chưa có số liệu để đánh giá.
Đối với các chỉ tiêu trong Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, đến nay thành phố cũng thực hiện đạt và vượt 10/17 chỉ tiêu; 04 chỉ tiêu chưa đạt và 03 chỉ tiêu chưa có cơ sở đánh giá.
Là một trong 03 trụ cột chính của chuyển đổi số, thành phố Sa Đéc đã tập trung xây dựng “chính quyền số” ngày càng trở nên thông minh và hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu và nhiệm vụ. Hiện 100% các văn bản được trao đổi qua môi trường mạng, trừ văn bản mật; các thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được thực hiện trực tuyến qua môi trường mạng, từ đó tạo được sự đồng thuận, hài lòng rất cao từ phía người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, trên 80% cuộc họp định kỳ giữa cấp thành phố với cấp xã, phường được tổ chức theo hình thức trực tuyến; đồng thời thực hiện các hội họp không giấy tờ, qua đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí in ấn tài liệu.
Các ngành thành phố và UBND các xã phường cũng tăng tốc, bức phá với nhiều mô hình, cách làm hay trong cải cách thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị. Đơn cử như mô hình “Máy nhận – Trả hồ sơ dịch vụ công tự động” – gọi tắt là máy APS; mô hình ứng dụng công nghệ số vào tờ khai TTHC,...
Một trong những bước ngoặc quan trọng trong năm qua, chính là việc thành phố đã đưa vào vận hành trung tâm điều hành thông minh IOC với chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị phục vụ đắc lực cho công tác chuyển đổi số của thành phố.
Trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số cũng phát triển ngày càng rõ rệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng nhiều với trên 55%; 100% các sản phẩm OCOOP đều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Shopee, Tiki, Lazada, Sendo,...; 40% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền hình trả tiền triển khai thu cước, phí theo hình thức không dùng tiền mặt.
Chất lượng dịch vụ viễn thông, internet trên địa bàn ngày càng phát triển và nâng cao, hiện thành phố có 03 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; tất cả khóm, ấp đều đã phủ sóng thông tin di động 3G, 4G, 5G với hơn 100 trạm phát sóng. Qua đó tạo tiền đề phát triển các loại hình, dịch vụ số ngày càng trở nên mạnh mẽ, hiện thành phố có 90,79% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định; 85% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán ngân hàng; 94,89% dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử và 100% các cơ sở khám chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, 92% đối tượng hưởng chính sách, trợ cấp xã hội được chi trả quan hình thức không dung tiền mặt, 100% các cơ sở giáo dục mầm, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn cũng đang thực hiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở,….
Ngoài ra, một số tuyến đường, chợ trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như tại Trung tâm thương mại Chợ Sa Đéc, đường Trần Hưng Đạo, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Sinh Sắc.
Để phục vụ tốt công tác chuyển đổi số, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng càng phải được coi trọng, hiện nay hệ thống thông tin mạng nội bộ của thành phố đã được tỉnh phê duyệt cấp độ bảo đảm an toàn hệ thống thông tin và 100% máy tính trong cơ quan hành chính nhà nước đều được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc.
Các Tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số
Bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm đến công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về CNTT, chuyển đối số cho CBCCCV và người dân, doanh nghiệp để công tác chuyển đổi số lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp người dân, xây dựng nên những công dân số đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số.
Kết quả trong năm 2024, có trên 1.000 người được đào tạo chuyển đổi số. Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi số đạt hơn 14,5 tỷ đồng.
Góp phần vào những thành quả trên, phải kể đến sự đóng góp to lớn của các Tổ công nghệ số cộng đồng. Hiện trên địa bàn thành phố đã thành lập được 46 Tổ công nghệ số cộng đồng với 352 thành viên, phần lớn là lực lượng đoàn viên, thanh niên. Đây là lực lực nồng cốt và tiên phong trong các phong trào, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Từ các chương trình hành động, các buổi lễ ra quân các lực lượng này đã hỗ trợ cho hàng trăm, hàng nghìn lượt người dân tiếp cận với các tiện tích của chuyển đổi số như: hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt, nộp hồ sơ trực tuyến, cài đặt chữ ký số cá nhân, cài đặt VnIED, e-dongthap cùng nhiều ứng dụng tiện ích khác.
Qua đó không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố, mà còn làm xuất hiện ngày càng nhiều tập, thể cá nhân tiêu biểu trong công tác chuyển đổi số của địa phương, đơn cử như chị Trần Thị Thu Giàu - Phó Bí thư Đoàn Phường, thành viên Tổ CNSCĐ Phường 1 vinh dự là một trong hai đại diện của Đồng Tháp tham gia hội nghị chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tại thủ đô Hà Nội.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới thành phố Sa Đéc sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số, trọng tâm là xây dựng chính quyền số, dẫn dắt kinh tế số, xã hội số cùng phát triển.
Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và đảm bảo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị để phục vụ cho công tác chuyển đổi số của địa phương từng bước nâng cao nguồn nhân lực của thành phố về lĩnh vực chuyển đổi số.
Có thể khẳng định với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Sa Đéc đã được những kết quả đáng ghi nhận, đây là tiền đề, động lực to lớn để các cấp, các ngành thành phố tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong thời gian tới, qua đó tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố ngày càng phát triển nhanh và bền vững, mục tiêu đến năm 2030 thành phố Sa Đéc nằm trong top đầu về chuyển đổi số so với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp./.
Văn Đấu + Ngọc Duy